Nước mắt cá sấu là câu thành ngữ dùng để chỉ sự dối trá hoặc cảm xúc giả tạo. Thành ngữ này sẽ được sáng tỏ hơn qua câu chuyện cổ tích của người Khmer.
Một buổi trưa mùa hè nóng nực. Đang lúc hạn hán kéo dài, có một bác nông dân kéo một chiếc xe chở đồ đi qua ven rừng. Lúc đó, Cá Sấu đang nằm thoi thóp bên đường, tưởng như sắp chết khô đến nơi mất!
Trông thấy bác nông dân đi tới, Cá Sấu liền giả bộ khóc lóc van xin:
– Ối ông ơi, xin ông rủ lòng thương cứu con với! Cánh đầm ven rừng này khô cạn từ lâu rồi. Ông hãy làm phúc chở giùm con đến cánh đầm sâu ở bên kia núi.
Bác nông dân đáp:
– Làm sao ta mang chú đi được! Chú kềnh cành thế kia cơ mà! Ta chịu thôi!
Cá Sấu lại giả tảng, lã chã giọt ngắn giọt dài [1]:
– Ối ông ơi, ông hữu cứu con làm phúc! Ông cứ đặt con lên xe, rồi chở con đi thôi mà!
Bác nông dân lắc đầu:
– Ta không bê nổi chú lên xe, chú nặng lắm! Vả lại xe ta đã chất đầy các thứ rồi!
Cá Sấu khẩn khoản [2]:
– Hay ông cột chặt con vào gầm xe mà kéo đi vậy? Khi nào đến cánh đầm kia chân núi, ông cởi chão [3] ra cho con!
Bác nông dân động lòng thương con vật khốn khổ, bèn lấy một cuộn chão to tướng cột chặt Cá Sấu vào gầm xe, rồi kéo chiếc xe lặc lè nặng gấp đôi lúc trước và đi tiếp.
Khi đến khu đầm sâu, mồ hôi nhễ nhại, bác ta cởi dây buộc Cá Sấu ra. Gã Cá Sấu liền há mõm nhe rặng chặn ngay bác nông dân lại và trở mặt [4]:
– Này ông, ông hãy để lại xác ở đây cho ta ăn thịt, ta căm giận ông lắm!
Bác nông dân sửng sốt:
– Sao chú lại căm giân ta và muốn trả ơn ta bằng cách đó?
Cá Sấu lên giọng:
– Ông đã trói ta chặt quá làm cho suốt quãng đường dài ta nhức nhối khắp cả mình mẩy. Ta phải ăn thịt ông bạn cho bõ giận. Vả lại đã mấy ngày liền ta nằm khô, chẳng kiếm được con mồi nào cả…
Vừa lúc đó, Thỏ Rừng ở đâu chọt đi tới, thoáng nghe cậu chuyện, liền hỏi Cá Sấu:
– Sao, ông bạn chuyến này lại muốn ăn thịt cả người nữa cơ à?
Cá Sấu vênh váo trả lời:
– Ừ, tớ nhờ cái nhà bác này chở tớ từ cánh đầm khô cạn bên kia chân núi sang cánh đầm bên này để kiếm ăn. Bác ta đã không thương thì chớ, lại trói chặt tớ vào gầm xe đến gãy hết cả xương và suýt nữa thì tắc thở. Tớ phải trả thù!
Thỏ Rừng lại hỏi:
– Bác ta đã trói ông bạn như thế nào? Lại đây tớ xem thử! Là người giữa, tớ sẽ phân rõ phải trái cho cả hai bên!
Thỏ Rừng nói luôn với bác nông dân:
– Bác câm lấy cuộn chão và thử trói lại anh bạn này vào gầm xe như ban nãy cho tôi xem có đúng như anh ta kể tội bác không?
Bác nông dân lại trói chặt Cá Sấu vào gầm xe. Thỏ Rừng giả vờ giật thử sợi dây, rồi hỏi Cá Sấu:
– Có phải ban nãy bác ta đã trói ông bạn như thế này không? Ồ, thế này thì đã chặt gì lắm đâu!
Cá Sấu hấp tấp phân bua:
– Không, không! Nếu chỉ trói như thế này thôi thì tớ nổi giận làm sao được cơ chứ!
Thỏ Rừng liền giúp bác nông dân siết chặt sợi dây chão hơn nữa, rồi lại hỏi Cá Sấu:
– Thế này đã đúng chưa?
Cá Sấu nhăn mặt xuýt xoa, gật đầu lia lịa:
– Đúng! Đúng như thế đấy! Tớ không tài nào cựa nổi mình nữa! Có thế tớ mới nổi giận và phải trả thù chứ!
>>> Xem thêm những câu chuyện khác cùng danh mục hấp dẫn tại Truyện cổ tích loài vật Việt Nam !!!
Thỏ Rừng quay lại nói với bác nông dân:
– Bây giờ hắn đã bị trói không cựa nổi mình nữa thì bác còn đợi gì nào? Liệu cái giống bất nhân bất nghĩa này có tha cái mạng cho bác không, nếu bác lại thương hại hắn như ban nãy?
Như sực tỉnh, lập tức bác nông dân vác luôn một tảng đá to tướng nhặt ở ven đầm, vừa đập Cá Sấu vừa hét:
– Nước mắt cá sấu này!… Nước mắt cá sấu này!…
Thế là con Cá Sấu vô ơn, lật lọng đã bị trừng trị đích đáng.
Câu chuyện Nước mắt Cá Sấu – Truyện cổ tích Khmer
–Truyencotich.fun –
Truyện Thỏ và Cá Sấu
Chú giải trong câu chuyện Nước mắt Cá Sấu
[1] Lã chã giọt ngắn giọt dài: ý nói nước mắt chảy ròng ròng.
[2] Khẩn khoản: nài xin cho bằng được.
[3] Chão: thừng dùng để buộc những vật to, nặng.
[4] Trở mặt: lật lọng, đang tử tế đột ngột quay ra có thái độ xấu.
Câu hỏi thử thách cho các bé
Bác nông dân đã gặp Cá Sấu ở đâu? Cá Sấu van nài bác nông dân như thế nào?
Sau khi được bác nông dân giúp đỡ, Cá Sấu trở mặt ra sao?
Để giúp bác nông dân thoát nạn, Thỏ Rừng bày mưu gì?
Cá Sấu bị trừng trị ra sao?
Cá sấu có tên tiếng Anh là crocodile. Đây là một loài bò sát máu lạnh với kích thước lớn, chúng có thể sống qua nhiều ngày liền mà không có thức ăn. Cá sấu sống chủ yếu ở môi trường nước hoặc đầm lầy. Mặc dù nhìn vẻ ngoài chậm chạp, nhưng đây lại là những kẻ săn mồi điêu luyện trong môi trường của chúng.
Nước mắt cá sấu là thành ngữ quen thuộc, dùng để chỉ những kẻ dối trá, sống giả tạo.
Thành ngữ này bắt nguồn từ đặc điểm của loài cá sấu, khi nuốt chửng con mồi, khóe mắt cá sấu thường chảy nước, giống như đang khóc khiến người ta liên tưởng đến những hạng người giả dối trong xã hội. Một mặt thì hại người, một mặt thì nói lời tử tế hiền lành.
Như vậy, câu chuyện nước mắt cá sấu tới đây là hết rồi! Các bé hãy đọc thêm thật nhiều những câu chuyện khác tại Đọc truyện cổ tích xưa miễn phí nhé!
Comments